Luật sư Lê Công Định - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, người chấp bút bản Tuyên bố về Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuyên bố của Đoàn luật sư TP.HCM
_____________________
TUYÊN BỐ VỀ VẤN ĐỀ HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA CỦA ĐOÀN LUẬT SƯ TP.HCM
XÉT RẰNG vào ngày 2/12/2007 Quốc vụ Viện Trung Quốc phê chuẩn việc lập thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để trực tiếp quản lý các quần đảo trên biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam;
XÉT RẰNG Việt Nam có chủ quyền bất khả xâm phạm đối với Hoàng Sa và Trường Sa cả về phương diện pháp lý (de jure) lẫn phương diện thực tế (de facto) theo Công pháp quốc tế; và
XÉT RẰNG chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa đã được ghi nhận rõ ràng trong nhiều tài liệu và chứng cứ lịch sử của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc và quốc tế.
VÌ NHỮNG LẼ NÊU TRÊN
ĐOÀN LUẬT SƯ TP.HCM TUYÊN BỐ
THỨ NHẤT, quyết định phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa của Quốc vụ Viện Trung Quốc là sự phủ nhận lịch sử và bất chấp công lý về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
THỨ HAI, Hoàng Sa và Trường Sa đã, đang và sẽ mãi mãi là lãnh thổ không tách rời và bất khả xâm phạm của Việt Nam cả về phương diện pháp lý (de jure) lẫn phương diện thực tế (de facto).
Ngày 5 tháng 1 năm 2008
Đoàn Luật sư TP.HCM
Chủ nhiệm
LS. NGUYỄN ĐĂNG TRỪNG
Luật sư Nguyễn Văn Trung - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh trình bày lý do Đoàn Luật sư TP.HCM ra bản Tuyên bố về Hoàng Sa và Trường Sa
"Sông núi nước Nam, dân Nam ởRành rành định phận ở sách trờiCớ sao lũ giặc sang xâm phạm?Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời."
Hàng ngàn cánh tay biểu thị sự quyết tâm và đồng thuận. (Tiếc quá! lãnh đạo TP về mất rồi!)
Yếu tố bất ngờ, đúng thời điểm và hợp pháp đã giúp cho buổi đọc Tuyên bố và biểu thị thái độ được thực hiện đầy đủ và đúng như mong đợi của hơn hai nghìn luật sư.
"Chúng ta biểu thị thái độ kiên quyết bảo vệ hai quần đảo thân yêu Hoàng Sa và Trường Sa!"
Thư gửi ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch Huyện đảo Hoàng Sa
Đoàn Luật sư TP.HCM xin bày tỏ nỗi xúc động và hạnh phúc lớn lao khi nhận được tin vào ngày 25/4/2009 chính quyền Thành phố Đà Nẵng đã long trọng tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ vào chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Huyện Đảo Hoàng Sa.
***
THƯ NGỎ CỦA ĐOÀN LUẬT SƯ TP.HCM
Kính gửi:
Ông Đặng Công Ngữ, tân Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Huyện Đảo Hoàng Sa
Báo Sài Gòn Giải phóng
Báo Pháp Luật TP.HCM
Báo Thanh Niên
Báo Tuổi Trẻ
Thưa quý vị,
Đoàn Luật sư TP.HCM xin bày tỏ nỗi xúc động và hạnh phúc lớn lao khi nhận được tin vào ngày 25/4/2009 chính quyền Thành phố Đà Nẵng đã long trọng tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ vào chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Huyện Đảo Hoàng Sa.
Chúng tôi cũng vô cùng cảm kích khi được biết vào ngày 20/4/2009 vừa qua, Thành phố Đà Nẵng đã tổ chức gặp mặt thân mật những người từng sống và làm việc tại Hoàng Sa, đồng thời thu thập tài liệu, kỷ vật và thông tin để chuẩn bị xuất bản tập kỷ yếu về Hoàng Sa. Đặc biệt hơn nữa, kể từ năm học 2009-2010, lịch sử về Hoàng Sa sẽ được chính thức đưa vào chương trình chính khóa về văn học, địa lý và lịch sử địa phương.
Đó là những hành động yêu nước, hợp đạo lý dân tộc và hợp lòng dân mà tất cả mọi người đều trân trọng và đánh giá cao. Chúng tôi nhân đây xin bày tỏ mong muốn tinh thần trách nhiệm như vậy được phổ biến và cỗ võ trong toàn xã hội và mọi tầng lớp nhân dân, trong đó sự hỗ trợ của ông Đặng Công Ngữ trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Huyện Đảo Hoàng Sa là yếu tố rất quan trọng.
Các luật sư của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh luôn bảo vệ quan điểm rằng Việt Nam có chủ quyền bất khả xâm phạm đối với Hoàng Sa và Trường Sa cả về phương diện pháp lý lẫn phương diện thực tế theo Công pháp quốc tế, và chủ quyền đó được ghi nhận rõ ràng trong nhiều tài liệu và chứng cứ lịch sử của cả Việt Nam và quốc tế.
Để chúc ông Đặng Công Ngữ trong chức trách mới đầy vinh quang của mình, chúng tôi xin chép tặng ông một đoạn trong bài thơ “Thành Thái Phiên Khói Lửa” với mong ước ông hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh trọng đại mà cả nước kỳ vọng để xứng đáng với tên gọi trước đây của Thành phố Đà Nẵng - Thành Thái Phiên:
Thành Thái Phiên tắm mình trong khói lửa Đất anh hùng lần nữa quyết hy sinh Phơi tim gan bên sắc biển Thái Bình
Pha sắc máu giữa một giòng nước Việt
(Bài thơ không rõ tác giả, được nhiều người nhớ và thuộc, diễn tả hào khí chiến đấu của đồng bào Đà Nẵng trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến 1946-1947)Xin kính chúc quý vị mãi mãi giữ trọn niềm tin của tất cả người dân yêu nước Việt Nam.
Ngày 29 tháng 4 năm 2009
TM. Đoàn Luật sư TP.HCM
Luật sư NGUYỄN ĐĂNG TRỪNG
Diễn đàn "Vươn ra biển lớn": Tầm vóc thuyền trưởng, tầm vóc dân tộc
Luật sư Lê Công Định Ảnh: N.C.T.
BÁO TUỔI TRẺ - Nước Việt có một bờ biển dài nhìn ra Thái Bình Dương trải từ Bắc chí Nam. Trong lịch sử đầy sóng gió của mình, người dân Việt hẳn nhiên nhiều lần vượt đại dương. Nhiều người thành đạt nơi xứ người, trong số đó có thể kể đến dòng họ Lý ở Hàn Quốc và cộng đồng người Việt tại Âu - Mỹ hiện nay.
Họ ra đi trong bối cảnh lịch sử có nhiều biến động khác nhau. Hiện tất cả đang trở về để cùng cả dân tộc vươn mình ra một đại dương khác rộng lớn hơn, đó là thị trường thương mại-tài chính-chính trị toàn cầu trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), với những nền văn hóa và tập quán khác biệt song được vận hành bởi một hệ thống qui tắc ứng xử thuần nhất.
Chúng ta chưa bao giờ có những đội thương thuyền hoặc lực lượng hải quân hùng mạnh đủ khả năng tiến xa hơn ra biển Đông. Thêm vào đó, do chính sách “bế quan tỏa cảng” của một số triều đại trong quá khứ, người dân Việt vẫn chưa có nhiều dịp sống trong sự giao thoa giữa những nền văn hóa và suy nghĩ dị biệt mặc dù khả năng thích ứng với môi trường mới của họ rất cao. Thời-đại-WTO sẽ là một cơ hội lớn để biến những tiềm năng đó thành hiện thực.
Tâm trạng hiện thời của hầu hết mọi người là háo hức, muốn hành động ngay để tranh thủ cơ hội ngàn năm có một này hầu phát triển đất nước và tạo dựng đời sống tốt đẹp hơn cho cá nhân và cộng đồng. Quả thật, kể từ năm 1945, thời điểm VN chính thức ghi tên trên bản đồ địa - chính trị thế giới hiện đại, chưa bao giờ chúng ta đứng trước một vận hội lớn lao như vậy. Nếu lớp trẻ ngày nay không có dịp chứng kiến ngày độc lập của đất nước hơn 60 năm về trước, thì giây phút VN trở thành thành viên toàn diện của cộng đồng thế giới rõ ràng là thời khắc lịch sử mà họ có quyền tự hào đã trải qua.
Trong chờ đợi và hi vọng, tôi bỗng nghĩ đến hình ảnh WTO như một anh chàng khổng lồ hùng dũng và nhanh nhẹn bước vào ngôi nhà nhỏ bé của chúng ta, vươn hai cánh tay to lớn chộp lấy rồi lôi xệch mọi người theo. Va vấp và bị kéo tuột đi là điều không tránh khỏi. Chắc chắn nhiều người sẽ bị rơi lại và buộc phải rời khỏi cuộc đua tốc độ này. Song nếu được chuẩn bị tốt và thích ứng nhanh chóng trong môi trường cạnh tranh mới mẻ, chúng ta có thể bớt va vấp, thậm chí hòa nhập dễ dàng vào cuộc tranh đua, từ đó vững vàng lao tới phía trước.
Người ta nói nhiều đến những giải pháp đối phó và kịch bản có thể xảy ra trong tương lai. Song dường như chỉ tập trung vào phía người dân hoặc doanh nghiệp, tức khu vực tư của nền kinh tế mà thôi. Khu vực công, tức nhà nước, ít được quan tâm đúng mức. Thật ra, vấn đề quan trọng nhất suy cho cùng là làm sao có được vị thuyền trưởng và đội ngũ chuyên viên đủ đẳng cấp để lèo lái con tàu trong chuyến hải hành xuyên đại dương này. Nói cách khác, cần phải có một thuyền trưởng, tức Chính phủ, đủ tầm vóc để lãnh đạo con tàu đất nước. Cách thức điều hành của không ít quan chức hiện nay, từ trung ương đến địa phương, chưa đủ để làm người dân yên tâm.
Thách thức lớn nhất của thời-đại-WTO là Chính phủ có đủ dũng khí thực hiện những thay đổi cần thiết nhằm tự nâng mình và nâng cả dân tộc lên một tầm cao mới hay không. Hơn bao giờ hết, chúng ta thật sự cần những nhà kỹ trị trong bộ máy lãnh đạo quốc gia. Không có họ, khó có thể có được một chính quyền chuyên nghiệp, quản trị quốc gia một cách khoa học. Trở ngại ở đây là lề lối lựa chọn nhân sự cho vị trí lãnh đạo các cơ quan công quyền.
Nếu hiền tài được lựa chọn trên cơ sở cạnh tranh công bằng và dân chủ trong phạm vi cộng đồng dân tộc, thì khi ấy chúng ta không sợ rằng Chính phủ không đủ bản lĩnh để lèo lái con tàu quốc gia vì hiền tài chắc chắn sẽ được đề bạt vào những vị trí then chốt có thể giúp đất nước đương đầu mọi thử thách, ít va vấp. Tuy nhiên, có được bản lĩnh như vậy thật sự không dễ dàng vì điều này đòi hỏi tầm vóc của thuyền trưởng.
Các thuyền trưởng lưu danh trong lịch sử hàng hải luôn là những người, ngoài trí tuệ vượt trội của mình, biết đặt sinh mạng của cả con tàu lên trên quyền lợi cá nhân của họ và của những người thân cận. Chỉ khi ấy tiếng nói của vị thuyền trưởng mới đủ trọng lượng điều hành từng người trên tàu làm việc một cách tự nguyện, bất vụ lợi.
Dù vậy, thiếu những nhà lãnh đạo lớn cũng không phải là điều đáng lo ngại. Bởi lẽ trong mọi trường hợp, tầm vóc của nhà lãnh đạo cũng không thể thay thế được tầm vóc của một dân tộc. VN là dân tộc có tầm vóc, điều này hiển nhiên đã được minh chứng bởi lịch sử. Đối với vận hội lớn lao như thế của đất nước, cần lắng nghe tiếng nói của cộng đồng dân tộc.
Vì vậy, nên chăng tổ chức một hội nghị Diên Hồng hiện đại để bàn về những vấn đề có thể ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến vận mệnh đất nước trong thế kỷ này? Năm 2007 sẽ là thời điểm thích hợp để triệu tập một hội nghị Diên Hồng với ý nghĩa đó. Trở thành thành viên chính thức của WTO thật ra chỉ mới mở được cánh cửa cơ hội, mọi việc tốt hoặc xấu hãy còn ở phía trước. Đừng để đất nước trễ thêm bất kỳ chuyến tàu lịch sử nào nữa!
Luật sư LÊ CÔNG ĐỊNH
No comments:
Post a Comment